Phú Quốc, hòn đảo nằm chơi vơi giữa biển khơi với 99 ngọn đồi nhấp nhô cách Hà Tiên 45km, cách thành phố Rạch Giá 120km. Lợi dụng sự tách biệt chính quyền chế độ cũ đã xây dựng ở đây một khu nhà tù với những đòn tra tấn dã man mà người ta ngỡ chỉ có thể diễn ra thời Trung cổ xưa. Năm 1967, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tổ chức thành nhà giam quân sự lớn nhất có tên Nhà tù Phú Quốc. Năm 1968, tại đảo Phú Quốc có khoảng 40.000 dân, nhưng cũng năm ấy, tại nhà tù Phú Quốc đã giam giữ tới 40.000 người và hơn 3.000 người trong số đó đã vĩnh viễn không về.
Các đồng chí lãnh đạo dự lễ truy điệu các liệt sĩ tại Nghĩa trang Phú Quốc. |
Đại lễ cầu siêu lần thứ 3 được tổ chức ở Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc cùng với lễ an táng 293 hài cốt liệt sĩ vừa quy tập đang phủ đỏ cờ trên con đường thênh thang giữa nghĩa trang như sợi dây vô hình linh thiêng nối giữa người đã chết và đang sống, khiến những câu chuyện về “ngày xưa” như chuyến vượt ngục của 27 chiến sĩ cách mạng với con đường hầm dài 130 mét được đào trong 4 tháng liền mà không bị lộ, chuyện 40 tù binh cướp súng uy hiếp cai tù, đào thoát năm 1970, đã trở nên lung linh và thân thương hơn...
1- Đêm 12-5-1971. Trong phòng giam số 8 khu A 5 có một nhóm người tù không ngủ. Họ cố nén lòng nhìn tất cả anh em nằm co quắp trong căn nhà tôn nhỏ xíu ẩm thấp ấy một lần nữa, trước khi tuột vào góc tường và biến mất từng người một.
Con đường hầm được đào bằng những chiếc xuổng tự tạo từ chiếc cọc sắt chữ V rút được từ chiếc hàng rào cũ của anh em tù binh khi đi lao động ròng rã hơn 4 tháng trời, dài gần 130m do anh Kiệm là tổ trưởng tổ đào hầm chỉ huy thực hiện.
Bằng tất cả sức lực 29 người tù đã tạo ra con đường sinh giữa cõi tử của địa ngục trần gian Phú Quốc này. Anh Hót và anh Hồng, cứ nhích người sang một bên để 27 anh em đi vào đường hầm thoát ra ngoài. 27 người tù rưng rưng chui vào đường hầm mang theo cái nắm tay rất chặt của những đồng chí hy sinh chọn cửa tử nhường hướng sinh cho họ trước khi chui vào đường hầm tối đen.
Sáng sớm hôm sau, anh em trong phòng giam số 8 thấy anh Hồng (quê ở Quảng Nam) trùm áo kín mặt than mệt, sốt cao. Tên nội gián được cài cắm trong nhà lao ngồi lên nhìn thật kỹ chung quanh và thấy nhà giam hôm nay rộng lắm. Nhưng ở cửa ra vào anh Nguyễn Văn Hót, người Thừa Thiên-Huế đã án ngữ với cặp mắt lạnh như tiền. Hắn lủi thủi nằm xuống nhưng nhấp nhổm lắm. Khi phát hiện 27 người tù biến mất bởi con đường hầm dài hun hút ngay trong phòng giam số 8 cả nhà tù nhốn nháo hẳn lên. Ở các phòng giam, bọn cai tù mặt xám xịt hét ầm ầm và chúng điên cuồng tra khảo.
Anh Hót (quê Quảng Nam) và anh Hồng (trinh sát người Thừa Thiên-Huế), người tham gia đào hầm thứ 28 và 29 đã chấp nhận ở lại mà kết quả ra sao thì mọi người và cả 2 anh đã biết trước. “Các anh đã chấp nhận ở lại với những trận đòn thù để 27 anh em chúng tôi đi về phía mặt trời”, anh Nguyễn Văn Năng, nguyên là lính đặc công (quê Thừa Thiên - Huế), 1 trong 27 người tù vượt ngục ngày ấy ngoái nhìn về phía những ngôi mộ trắng phía xa xa trong nghĩa trang còn mù sương và bật khóc khi kể lại…
Nhiều tháng trời, ngày nào phòng giam số 7 và 8 của phân khu A 5 cũng có hai, ba người báo bệnh không ra điểm danh đi tạp dịch để thay nhau ở nhà thực hiện việc đào hầm. Đất đào hầm mấy ngày đầu được các anh bỏ vào túi áo tù mang ra ngoài. Chỉ là vài bụm đất nhưng đổ ở đâu cũng phải tính thật kỹ, bởi chỉ cần sơ sểnh một chút thôi cái bụm đất khác màu và hơi ẩm ướt ấy sẽ tố giác mọi chuyện. Một số đất mang vào nhà vệ sinh để đổ xuống dưới hầm xí. Vài ngày sau, khi đất nhiều hơn phân thì phải mang đổ xuống giếng của nhà lao. Đất đổ lấp xấp mặt nước thì anh em than nước đục, đòi nạo vét giếng. Chuyện phi tang đất khó khăn là thế nhưng chuyện làm sao đào đúng hướng ra ngoài vòng rào cũng không dễ dàng gì.
Anh Hà, tự Hà Bá tên thật là Lê Xuân Hà, một trong 27 người vượt ngục thành công năm xưa nói: “Khu A5 đào 3 đường hầm thì lộ hết 2 do nhắm sai hướng, đào trúng chân nhà bọn cai ngục rồi đó chớ”. Ở trong môi trường khắc nghiệt ấy khả năng chuyên biệt của những người lính đặc công được bộc lộ hết mức. Đường hầm đào được khoảng 20m thì “có vẻ” lạc hướng. Để cửa hầm trổ đúng mé lộ, anh Kiệm, tổ trưởng tổ đào hầm kín đáo xin một đồng chí ở nhà bếp cái hộp quẹt để định hướng. “Định hướng bằng hộp quẹt?”, tôi ngạc nhiên. Anh Năng giải thích:
Sau khi xác định đúng hướng con lộ nằm bên ngoài 12 lớp hàng rào kẽm gai, một lính đặc công chui vào hầm, xoay mặt đúng hướng sẽ trổ cửa hầm và bật quẹt lên, ánh sáng đổ theo hướng nào sẽ đào đúng hướng đó.
Đào được khoảng 60m, chúng tôi nghe tiếng chuyển động mạnh trên mặt đất. Lệnh từ anh Tuấn, tên thật là Vương Đức Thuận, người Nghệ An, Bí thư Chi bộ phòng 7, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy nhà lao Phú Quốc phải dừng đào để nghe ngóng. Tiếng động lạ nghe được đó là tiếng xe GMC và xe Jeep tuần tiễu quanh nhà lao. “Hèn gì mà đất cứng quá trời”, anh Hải lầu bầu. Để tránh xe chở nặng đi qua làm sụp hầm, đường hầm được đào âm xuống đất thêm 1m nữa. Càng âm sâu, đất càng cứng và không khí có lúc như đặc quánh khiến tốc độ đào hầm trở nên rất chậm. Công việc khó hơn với những bàn tay bết máu.
Hầm đào được khoảng 40m thì bật quẹt không cháy nổi. Hết oxy! Phải trổ lỗ thoát khí. Các anh dùng các que sắt cời than trong bếp đục những lỗ thông hơi nhỏ xíu. Một số chuột khỏe được bí mật bắt mang bỏ vào đường bịt kín. Hôm sau, nhìn vào con đường hầm hun hút các anh đã thấy có vài tia sáng yếu ớt rọi xiên vào vách đất. Hộp quẹt bật lên đã cháy leo lét. Khi cảm thấy đất mềm hơn, thì mọi người biết - đường đi tìm tự do của nhóm tù phân khu A5 đang ngắn dần.
Đến một hôm, các anh đang cố ấn cái xuổng ngắn ngủn (thực chất chỉ là những miếng sắt chữ V mà anh em đã bí mật rút từ cọc hàng rào đem về bếp để đập dẹt và bỏ vào bếp lửa để cắt thành 3 cái xuổng ngắn bằng cái muỗng canh) vào tường đất trước mắt thì hụt tay. Một khoảng trời bé xíu lộ ra tia sáng hắt vào mặt các anh. Những người lính đào hầm suốt 4 tháng trời cảm thấy nghẹn cổ và họ ngồi tựa vào tường hầm nắm chặt tay nhau mà nước mắt rưng rưng. Họ đã chạm mặt được vào khoảng trời tự do…
Cuối cùng, 27 người tù đã vượt ngục thành công và họ gặp được lực lượng cách mạng tại phía Đông Bắc Gành Dầu, sau đó họ được lực lượng ta bí mật đưa sang Campuchia và về lại đất liền để tiếp tục công tác cho đến ngày hòa bình.
Nhóm cựu tù vượt ngục dự lễ truy điệu các liệt sĩ tại Nghĩa trang Phú Quốc. |
2- Ở nhà tù Phú Quốc còn có một cuộc vượt ngục làm chấn động cả chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Đó là cuộc vượt ngục đông người nhất của nhà tù phú Quốc bằng cách cướp súng, uy hiếp cai tù của các tù binh ở phân khu C8 đã khiến bọn cai tù choáng váng và anh em ta phấn chấn.
Ngày 31-8-1970, nhóm tù của phân khu C8 được đưa ra ngoài rừng rậm phía Bắc đảo để lao động chặt mây. 16 giờ 30, có lệnh về trại. 40 tù nhân lên xe GMC theo lệnh cai tù. Đã chuẩn bị từ trước, họ đã ý tứ ra hiệu nhau bằng mắt và lặng lẽ lên xe như mọi ngày nhưng những vị trí quyết định cho cuộc vượt tù đã được chi bộ nhà lao giao cho từng người cụ thể.
Đã điều nghiên trước, lại có cớ phải chặt dây mây nên các anh đã chuẩn bị dao khá sắc và có cán cầm thuận tay hẳn hoi. Chiếc GMC chở 40 người tù và những bó mây to lặc lè bò qua dốc miếu cô Sáu thì ngắc ngứ vì vướng lầy. Ngay tức khắc, anh Chiến, Nghĩa và Sáu Minh, những người lính đặc công và trinh sát của ta từ phía sau xe chòi người qua cái cửa sổ nhỏ xíu nối với cabin, dùng dao câu cổ tài xế và hai người còn lại với thân thủ của lính đặc công đã đu lên cabin để khống chế hai tên lính. Nguyễn Văn Ni nhào đến cướp súng của lính hải quân đi theo canh tù phía sau xe. Mọi người giật súng và chạy ào vào khu rừng phía trước. Tên lính còn lại nổ súng cầu cứu. Anh em cướp súng và bắn cai tù rồi bỏ chạy vào rừng. Tiếng súng nổ đã báo động cho lực lượng gần đấy tiếp ứng.
Sau nhiều ngày đói khổ và bị tra tấn nên một số không chạy nổi đã tự đứng lại dàn hàng ngang hứng đạn che cho số anh em còn sức khỏe vượt rừng. 21 người tự nguyện thành bia hứng đạn đã hy sinh tại chỗ bị bắn chết. Và sau 6 ngày luồn rừng vất vả, 28 tù nhân đã gặp được lực lượng cách mạng ở căn cứ Dương Tơ.
Năm 1973 nhiều tù binh có mặt tại bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị trong đợt trao trả tù binh theo hiệp định Paris được ký kết thành công. Trong số đó có nhiều tù binh rất trẻ, họ chỉ vừa bước qua tuổi 20. Trong tấm thân tàn tạ vì đòn thù, họ rưng rưng quay lại nhìn về mảnh đất cuối trời, nơi những đồng chí mình đã nằm lại vĩnh viễn.
Theo Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.daongoc.com/vn/doi-net-dao-ngoc/46-phong-su/881-phu-quoc-mua-vong-am-vang-nhung-cuoc-doi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét