Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

Thiền sư Nhất Hạnh lần đầu tiên lên tiếng về vụ Bát Nhã

Đọc báo thấy tin này đáng chú ý liên hệ tới Việt Nam, quê hương một thời của tôi, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.

“Thiện Giao/Người Việt

VIỆT NAM - Bức thư của Nguyễn Lang, tác giả “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận,” gởi cho Chủ Tịch Nhà Nước VN Nguyễn Minh Triết, và sau đó thêm một bức gởi cho nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước, được dư luận cho là lần đầu tiên Thiền Sư Nhất Hạnh lên tiếng về vụ Bát Nhã, Lâm Ðồng, Việt Nam.

Nguyễn Lang là bút hiệu của Thiền Sư Nhất Hạnh, được giới trí thức, Phật tử trong nước biết đến từ lâu qua tác phẩm đồ sộ “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận,” xuất bản trong nước hồi đầu thập niên 1960s, trước khi ông ra đi, sống lưu vong tại nước ngoài.

Hai bức thư của Thiền Sư Nhất Hạnh được cho là “có nhiều thông điệp” gởi chính quyền và giới trí thức trong nước.

Trong bức thư từ New York đề ngày 30 Tháng Chín, gởi ông Nguyễn Minh Triết, tác giả Nguyễn Lang, tức Thiền Sư Nhất Hạnh, viết rằng:

“...Cửa Phật là cửa rộng, những lúc hiểm nguy ai cũng có quyền tới nương nhờ. Ngày xưa trong cách mạng chống Pháp, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã từng tới ẩn náu tại chùa và các thầy các sư cô luôn luôn tìm mọi cách để đùm bọc và che chở. Bây giờ đây cảnh sát và công an của chủ tịch đã đánh bật 400 thầy và sư cô ra khỏi chùa (tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc) và các vị ấy đã tìm tới tỵ nạn nơi một chùa khác (chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc). Hiện thời cảnh sát và công an của chủ tịch lại đang vây quanh chùa Phước Huệ buộc các vị xuất gia ấy phải ra khỏi chùa trong đêm nay. Các vị cảnh sát và công an này chắc hẳn không phải là con cháu của cách mạng. Tôi xin chủ tịch kịp thời ngăn chận hành động trái luân thường đạo lý này.”

Hai ngày sau đó, tác giả Nguyễn Lang lại viết thêm bức thư thứ nhì, gởi “nhân sĩ và trí thức trong và ngoài nước,” kêu gọi “liệt vị kịp thời lên tiếng để che chở cho 400 người trẻ đang bị bao vây và đàn áp tại chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc.”

Bức thư có đoạn, “Qua 14 tháng thử thách trước bạo động và đe dọa, họ đã can trường đứng vững, không nản chí, không sợ hãi, không oán thù, không bạo động, và vẫn giữ được niềm tin nơi con đường họ đi và vào những giá trị tinh thần của đất nước. Nhìn vào những người như họ, chúng ta thấy vững lên niềm tin của chúng ta nơi các thế hệ tương lai của đất nước.”

Và, vì những lẽ ấy, “Lên tiếng bảo vệ cho họ không phải là quý liệt vị yểm trợ cho một tôn giáo là Phật Giáo mà quý vị che chở cho những mầm non xanh tốt của tương lai không để bị giẫm nát bởi bạo hành.”

Ðây là lần đầu tiên Thiền Sư Nhất Hạnh, tức nhà viết sử Nguyễn Lang, chính thức lên tiếng về vụ tăng ni bị đàn áp và đánh đuổi ra khỏi tu viện Bát Nhã.

Một số người nhận định, hình thức thư ngỏ, gởi qua trang mạng phusa.info, và ký tên Nguyễn Lang là cách thức “ẩn chứa nhiều thông điệp.”

Một đệ tử của Thiền Sư Nhất Hạnh, yêu cầu không nêu tên, nhận định rằng bút hiệu Nguyễn Lang rất nổi tiếng đối với người Việt Nam, đặc biệt giới trí thức và Phật tử. Và hành động dùng bút hiệu này thay vì danh xưng “Thiền Sư Nhất Hạnh” nổi tiếng quốc tế là cách mà vị thiền sư hơn 80 tuổi “muốn giới hạn hoàn cảnh giải quyết vấn đề Bát Nhã.”

“Thiền Sư Nhất Hạnh muốn nói với chính quyền Việt Nam, là hãy giải quyết vụ Bát Nhã giữa những người Việt Nam với nhau.”

Khi Thiền Sư Nhất Hạnh lên tiếng chính thức bằng danh xưng Nhất Hạnh, “vấn đề sẽ trở thành quốc tế, không thể che giấu.”

Trong khi đó, một số Phật tử khác thì cho rằng, khi dùng bút hiệu Nguyễn Lang, tác giả bộ sử Phật Giáo Việt Nam, Thiền Sư Nhất Hạnh muốn nhắn gởi đến cá nhân ông Nguyễn Minh Triết và giới trí thức, rằng đây là lúc họ sẽ quyết định mai sau lịch sử ghi lại những gì về sự kiện này.

“Chắc chắn, ông Triết không muốn lịch sử ghi nhận như một lãnh tụ độc tài, biến Bát Nhã thành một pháp nạn của thế kỷ 21.”

“Và giới trí thức cần là cột trụ vững chắc của xã hội, luôn lên tiếng kịp thời trước những vấn nạn lớn của xã hội.””


(Người Việt, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=102149&z=1)

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/4394933

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến