Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Trí thức VN ký Thỉnh Nguyện Thư đòi “điều tra cấp nhà nước” vụ Bát Nhã

Đọc báo thấy tin này đáng chú ý liên hệ tới Việt Nam, quê hương một thời của tôi, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.

“* Khuyến khích báo chí 'thông tin cho biết sự thật'

Hà Giang - Thiện Giao/Người Việt

VIỆT NAM - 67 trí thức, nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước, trong đó có cả một số đảng viên tại Việt Nam, đã cùng ký vào một Thỉnh Nguyện Thư gởi lãnh đạo cao nhất của chính quyền CSVN, nêu lên những điều “hết sức lo ngại” trong cách thức Hà Nội đàn áp gần 400 tăng sinh môn đồ Thiền Sư Nhất Hạnh.

Cáo Bạch” do nhà thơ Hoàng Hưng, hiện đang sống tại Sài Gòn, viết, có đoạn rằng, “Theo sáng kiến của một số bằng hữu, vào ngày 5 Tháng Mười, 2009, một lá Thư Thỉnh Nguyện về việc giải quyết vụ tu viện Bát Nhã bị khủng bố vừa được gửi tới Văn Phòng Chủ Tịch nước CHXHCN Việt Nam, Văn Phòng Thủ Tướng nước CHXHCN Việt Nam, Văn Phòng Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam.”

Ngay lập tức, trong đợt đầu tiên, 67 trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo tên tuổi trong và ngoài nước, cùng ký thư.

Thư Thỉnh Nguyện nêu lý do khiến giới trí thức phải lên tiếng, là để “thỉnh cầu quí ngài (Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng) can thiệp một việc vô cùng khẩn thiết, liên quan đến số phận của 400 tu sĩ, tu sinh Phật Giáo trẻ tuổi đang gặp nguy khốn ở huyện Bảo Lộc, thuộc tỉnh Lâm Ðồng.”

Trong danh sách “đợt đầu tiên” ký vào Thỉnh Nguyện Thư, người ta nhận thấy có Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, người vừa cùng các đồng sự tuyên bố tự giải tán Viện Nghiên Cứu Ðộc Lập IDS để phản đối Quyết Ðịnh 97 của chính quyền. Một đảng viên “50 năm tuổi đảng, nguyên tổng biên tập báo Lao Ðộng,” là ông Tống Văn Công, cũng ký vào thư thỉnh nguyện.

Ngoài ra, còn có các vị Dương Tường (nhà thơ, sống tại Hà Nội), Phạm Toàn (nhà giáo, sống tại Hà Nội), Ý Nhi (nhà thơ, sống tại Sài Gòn)... cũng ký vào thư gởi lãnh đạo chính quyền CSVN.

Nói với Người Việt, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nhận định, rằng “báo chí chính thức Việt Nam không hề đưa tin” và mặc dầu “có đạt được thỉnh cầu hay không thì chưa biết,” ông tin Thư Thỉnh Nguyện “sẽ có tác động nào đó.”

Tác giả “Cáo Bạch” đăng kèm với Thỉnh Nguyện Thư, là nhà thơ Hoàng Hưng thì nói với Người Việt, rằng ông đã gặp các tu sĩ trẻ trước khi vụ Bát Nhã xảy ra, và ông “rất quý trọng tinh thần trong sáng của họ.” Ông nói bị “shock” nặng khi biết các tăng sĩ bị khủng bố, và đây là “một thực trạng đau buồn, cần giải quyết nhanh chóng, ổn thỏa.”


Trong khi ấy, nhà văn quân đội Phạm Ðình Trọng, hiện sống tại Sài Gòn, tác giả “Bức Thư Một Con Dân Gởi Thủ Tướng” (Nguyễn Tấn Dũng) về vụ Hoàng Sa, Trường Sa, thì nói với Người Việt rằng đây là “một tác động ủng hộ tinh thần cho các tăng sinh.”

Thỉnh Nguyện Thư nêu lên một số thỉnh cầu, bao gồm:

1. Cho lập ngay một Ủy ban Ðiều tra cấp nhà nước về vụ Bát Nhã, có sự tham gia của các đoàn thể quần chúng và một số nhân sĩ trí thức độc lập. Sau khi có kết quả điều tra, xin công bố rộng rãi và tiến hành xử lý nghiêm minh mọi người, mọi hành vi phạm pháp theo đúng pháp luật.

2. Trong khi chờ đợi kết quả điều tra, có biện pháp bảo đảm an ninh và điều kiện sinh hoạt bình thường cho các tu sĩ và tu sinh.

3. Giao cho Giáo hội phật giáo sắp xếp việc tu hành của các tu sĩ và tu sinh ở Bát Nhã trước đây một cách công bằng, hợp tình hợp lý, hợp với nguyện vọng của họ, các luật tắc của Giáo hội và luật pháp Việt Nam.

4. Khuyến khích giới truyền thông tiếp cận thực tế và thông tin cho toàn dân biết sự thật về những gì đã và đang xảy ra về vụ Bát Nhã.

Thư Thỉnh Nguyện do 67 trí thức trong và ngoài nước được phổ biến chỉ ít ngày sau khi Thiền Sư Nhất Hạnh viết hai thư ngỏ gởi ông Nguyễn Minh Triết và trí thức Việt Nam về vụ Bát Nhã. Cả hai bức thư đều ký tên Nguyễn Lang, tác giả “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận.” Nhiều người cho rằng ký tên Nguyễn Lang thay vì Nhất Hạnh là cách thức mang nhiều ẩn ý mà vị thiền sư hơn 80 tuổi muốn nhắn gởi với giới trí thức và chính quyền Việt Nam.”


(Người Việt, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=102300&z=1

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/4405013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến