“Bút ký của Trần Mộng Tú (Viết riêng cho Người Việt)
Người Việt trân trọng giới thiệu cùng độc giả loạt bút ký của nhà thơ Trần Mộng Tú được viết sau một chuyến từ Hoa Kỳ về thăm quê nhà Việt Nam vào những ngày cận Tết. Bài sẽ đăng 4 kỳ, kể từ số báo ngày Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010.
***
... Sáng sớm ngày thứ hai ở Sài Gòn, Frank rủ đi bộ. Ngày hôm qua anh đã tìm đường trong thành phố một mình rồi. Áo vải mỏng dài tay, quần ngắn, giầy vải, kính râm, nón vải, chúng tôi bắt đầu hòa mình vào Sài Gòn buổi sáng.
Từ nhà người cháu, ở đường Nguyễn Trãi, Frank hướng dẫn tôi ra công viên có tên là: “Công Viên 23 tháng 9”, anh nói, ngày đó là ngày kỷ niệm “Chiến thắng Ðiện Biên Phủ”, sau hỏi lại, mới biết ngày đó là ngày “Nam Bộ Kháng Chiến” (23 tháng 9 năm 1945).
Tôi đi theo Frank, mỗi lần phải băng qua đường, tôi nắm chặt tay anh, đi băng qua đầu những chiếc xe lớn nhỏ (nhiều nhất là xe gắn máy) tôi cứ nhắm mắt đi theo, không dám nhìn, vì nếu nhìn sẽ thấy tất cả xe cộ đang cùng một lúc, tông vào mình.
Trước khi đến công viên, chúng tôi ghé nhà thờ Huyện Sĩ, viếng Chúa. Trong khuôn viên nhà thờ, núi Ðức Mẹ Lộ Ðức, tượng Thánh Giuse và tượng thánh tử đạo Gấm, đứng chung cùng với khoảng hơn mười chiếc xe hơi Nhật, Mỹ và rất nhiều xe gắn máy xếp hàng như một bãi đậu. Tôi không biết vì sân nhà thờ rộng, nên cho thuê làm chỗ đậu xe để kiếm lợi tức hay nhà thờ bắt buộc phải nhường một phần đất cho thành phố sử dụng. Tôi vào quỳ trong nhà thờ, cầu xin cùng Thiên Chúa, cho đất nước mình, một ngày một tốt đẹp hơn, cho dân mình ai cũng được no cơm, ấm áo.
Công viên khá lớn, được thành lập từ sau 1975, trên nền của nhà ga xe lửa bị phá đi, và rời về quận Ba (ga xe lửa này xây từ thế kỷ 19). Chiều dài công viên kéo suốt chiều dọc của đường Phạm Ngũ Lão, chiều ngang là khoảng cách ở giữa của hai con đường song song Lê Lai và Phạm Ngũ Lão. Công viên trải dài từ Công Trường Quách Thị Trang (chợ Bến Thành) đến chợ Thái Bình, đường Nguyễn Trãi thì ngừng. (Chắc gặp phải bài Bình Ngô Ðại Cáo của cụ Nguyễn Trãi.)
Sáng Thứ Bẩy nên công viên không đông, Frank nói, ngày hôm qua đông hơn, tuy nhiên cũng vẫn có người đến tập thể dục ở những dụng cụ được đặt chung quanh vòng ngoài của công viên. Tôi còn thấy, ở phía trong công viên, một nhóm người đang tập khiêu vũ theo âm nhạc trên một nền gạch được xây cao hơn và có mái (Tôi nhớ, mấy năm trước, khi sang Hồng Kông, tôi thấy rất nhiều công viên có chỗ dậy khiêu vũ giống thế này). Những hàng cây trong công viên, thân thẳng với những tán lá khá dầy, đang nghiêng xuống nhìn hai người lạ mới tới. Hòa trong tiếng nhạc dập dình, tiếng bước chân của chúng tôi trở nên e ngại, rụt rè.
Chúng tôi đi hết chiều dài của công viên, băng qua mấy ngã tư nữa, đến trạm xe bus ở bên hông chợ Bến Thành. Khói xe tuy không nhìn thấy, nhưng hình như bám vào tóc và quần áo rất nhanh, giơ cánh tay áo lên ngửi thấy mùi khen khét; tiếng máy xe nổ liên hồi, làm rung cả một vùng không gian. Khói xe và tiếng còi xe là hai thứ làm nên buổi sáng Sài Gòn. Frank dắt tôi lấy xe bus số 11 trở lại đường Nguyễn Trãi.
Sài Gòn bây giờ “cao ốc” mọc nhanh hơn nấm, nếu gọi những ngôi nhà bề ngang bốn thước, bề dài sáu thước, sáu, bẩy tầng lầu là ‘cao ốc’, thì chỗ nào cũng thấy một cao ốc đang xây chen vào giữa những cửa hàng đã mở. Khách sạn, thì giữa trung tâm thành phố coi như đường nào cũng có một, hai cái. Du khách da trắng không nhiều lắm (chắc không phải dịp hè) nhưng Việt kiều khá nhiều, phần đông là người lớn tuổi về ăn Tết. Cứ thấy cách họ đi đứng, ăn mặc sẽ nhận ra ngay. Một số ít, quần áo vải, giầy vải, một tay cầm chai nước khư khư, một tay ôm cái túi vải sát vào ngực, một số nhiều hơn diện quá so với với những người chung quanh.
Sài Gòn với những cô gái mặc áo dài, tiếp tân trong những khác sạn, hay những nhà hàng đắt tiền; Sài Gòn với áo bà ba, nón lá của những người tất tả ngược xuôi hàng gánh, hàng bưng trên khắp mọi ngả đường; Sài Gòn với những nón sắt, khẩu trang, váy ngắn, chân dài thì ít, váy dài chân ngắn nhiều hơn; Sài Gòn với những ngôi chùa xây mãi không xong, (còn đợi đóng góp nước ngoài tiếp tục gửi về) với những nhà thờ đồ sộ được xây trong những xóm đạo ngỡ không thể nào cáng đáng nổi (cũng tiền của tín hữu nước ngoài); Sài Gòn với những cửa hàng bán sản phẩm nhập cảng, không biết bán cho ai? Vì du khách nước ngoài, những người có tiền, không ai đến Việt Nam để mua những cái ví xách tay mấy mười mấy ngàn Mỹ kim; Sài Gòn các cửa tiệm ở trung tâm thành phố, các ngôi nhà to, đẹp trên những con phố đắt tiền hoàn toàn do những người nói giọng “Hà Nội mới” làm chủ; Sài Gòn với những cụ già xác xơ, ốm yếu, chạy theo du khách bán vé số ngoài đường; với những em bé, quắt queo, đen đủi không kịp lớn theo tuổi, ngay trong giờ đáng nhẽ phải ở trường học, lại lang thang bán áo thun, bán nón vải, hoặc ăn xin.
Và cũng chỉ có Sài Gòn ra đường buổi sáng, mới gặp được người cha chở cả một gia đình trên chiếc xe gắn máy: Cậu bé lên năm, quàng chiếc cặp nhỏ ngồi trên cùng, người cha cầm tay lái, cô bé lên bẩy mặc đồng phục học sinh ngồi ép sát vào cha, và cuối cùng là người mẹ. Bà ngồi hai chân quặp hai bên hông và trong lòng bà hình như có một cái bọc nhỏ, nhìn kỹ khi xe bị chậm lại để quẹo một khúc quành, không phải cái bọc đâu, bà mẹ đang cho một em bé sơ sanh bú. Bà cho con bú trên đường ra chợ, ngay trên xe gắn máy, lạ lùng và kinh hoàng!
Sài Gòn nhìn và ngẫm nghĩ mãi, không biết tả thế nào cho đúng. Nó giống như một nồi lẩu thập cẩm, sôi bập bềnh những thực phẩm trong đó, không nhìn rõ được những gì, cho cái muỗng vào, có thể may mắn múc được miếng khả dĩ lành; nhưng không may, cũng rất dễ vớt được một miếng ăn vào trúng độc. Cái nồi lẩu đó do đầu bếp nào sửa soạn, đặt ra giữa bàn ăn? Không rõ, nhưng tất cả những người ngồi chung quanh đó đều ăn, không ăn thì đói.
Sài Gòn, những cây me già ngày xưa vẫn đứng đó, tình yêu tuổi trẻ của chúng ta vẫn đứng đó. Công viên Lê Văn Tám (tên một nhân vật được phong tặng anh hùng, bây giờ được chính người kể chuyện là Trần Huy Liệu thú nhận là chỉ bịa ra để tuyên truyền) trăm năm sau cũng không thể nào xóa được những vết tích của những nấm mộ xưa. Ai đó tưởng rằng có thể xóa nhòa tất cả, nhưng không, đám mây năm nào vẫn trôi trên bầu trời cũ. Nắng chấp choáng, hai bàn chân chập vào nhau, tôi rưng rưng bước. (Còn tiếp)“
( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107950&z=1)
Mời đọc thêm:
Cuối năm về quê
http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/7392451
Cuối năm về quê (kỳ 2): Ðặt chân đến Sài Gòn
http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/7436811
Cuối năm về quê (Kỳ 3): Buổi sáng Sài Gòn
http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/7479141
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/7479141
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét