Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

Galang, ngưỡng cửa tự do và tình người

Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, liên hệ tới Việt Nam quê hương một thời của tôi, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.



" Ngọc Lan/Người Việt



GALANG, INDONESIA (NV) - Chặng cuối cùng, cũng là chặng được hầu hết mọi người trong nhóm chúng tôi chờ đợi trong hành trình “Về Bến Tự Do” là chặng đường đến đảo Galang, “Ngưỡng cửa của tự do và tình người.”



Lối về Galang



Trong số 5 chiếc cầu phải vượt qua trước khi đến đảo Galang, thì chiếc cầu đầu tiên có vẻ rất giống cầu Mỹ Thuận. Khi xe dừng lại trên cầu cho mọi người xuống chụp hình, lập tức các xe bán cóc, xoài, ổi, rồi bánh tôm chiên, khoai chiên, chuối chiên, rồi lóc cóc xe cà rem từ đầu xuất hiện mời chào những du khách mua vì tò mò nhiều hơn là vì muốn ăn.



Càng đi, con đường hai bên càng không nhiều nhà cửa, chỉ bát ngát những rừng cây. Lác đác, vài căn chòi dựng bên đường bán bắp nướng, vài trái dừa tươi, ít lon nước ngọt cho khách “bộ hành.”



Trừ vài người thuộc Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam như chú Trần Ðông, chú Lưu Dân, còn lại tất cả những thuyền nhân đã từng ở Galang, trong lần trở về đầu tiên này, đều không hề biết con đường nhựa đang đưa họ trở về chốn cũ. Phương tiện duy nhất ngày nào đưa họ đến chốn này chỉ là tàu và tàu.



Chỉ đến khi ai đó phát hiện, “Ơ, hình như bến tàu kìa!” thì mọi người trên xe bắt đầu lao xao.



Tiếng người lao xao. Lòng người lao xao.



“Chỗ này hình như là các barrack ngày xưa nè phải không?”, “Ðường lên chùa đâu?”, “Nguyên cái khu này trước là chợ của bà con mình thì phải?”, “Hồi xưa hai quán cà phê ở đây nè”, “Ðây là ngã ba ‘đường tình,’chỗ ‘Muốn người ta, người ta không muốn/Xách cây dù đi xuống đi lên’ nè,” “Chỗ này là rạp chiếu phim nè”... Xe cứ lướt qua, và những thuyền nhân xưa ráng hình dung ra cảnh cũ bằng cách chỉ trỏ, hỏi nhau và tự nói với mình như thế.





Trên con đường này, có đoạn chúng tôi được cả một đàn khỉ tung tăng bên lề, có lúc chạy ra cả lòng đường, lom lom mắt “chào đón.” “Chắc phải cả trăm con,” tôi ước lượng. Tiếng nhiều người phản đối, “Trời ơi, làm sao mà một trăm. Phải hàng mấy trăm, thậm chí cả ngàn con thì có!”



Xe dừng lại ở ngay chỗ rẽ vào trại tị nạn Galang, nơi có nguyên tấm bản đồ “Camp Vietnam Galang Island,” những thuyền nhân Galang năm nào nhanh chân nhảy xuống.



Vội vàng.



Cuống quít.



Họ muốn nhìn ngay, nhìn liền, tận mắt nơi ghi dấu chân họ, ngày xưa.



Tiếng anh Quế Chi, chị Nguyệt Hương, cô Hương, chen nhau, “Con đường này dẫn ra cầu tàu nè. Con đường vẫn vậy nhưng hồi đó không có nhà cửa như vầy.”



Ðó là con đường, như kiểu đường làng, trải đá, sạch sẽ, dài ngoằn, hai bên cỏ lát mọc đầy, sâu hơn là chằng chịt cây to, cùng dây leo quấn quít. Càng vào sâu bên trong, càng thấy nhiều ngôi nhà mọc lẫn trong đó.



Vừa sải đi trên đường, anh Chi vừa giơ máy thu lại những cảnh vật chung quanh vừa nói, “Con đường này ngày xưa tôi đi nhiều lần lắm, đi ra tiễn những người bạn đi định cư. Mỗi lần đi là mỗi lần nôn nao.”



“Vui cho người ta và buồn cho mình.” Anh Vinh tiếp lời.



Tôi bước theo họ, bằng những bước chân của anh trai tôi, cũng là một thuyền nhân Galang của gần 30 năm về trước.



Trong hành trang ngày tôi chuẩn bị đến đây, có con đường này, qua lời anh tôi kể. “Anh nhớ nhất là mỗi lần anh ra bến tàu đưa người ta đi và nhờ người ta gửi thư về cho ba má.” Tôi bước đi, cố hình dung ra cảnh cả đoàn người kéo theo. Có kẻ náo nức biết mình sắp đặt chân đến xứ sở tự do. Có kẻ cố giấu nước mắt che giấu sự thất vọng, chán chường bởi sự chờ đợi quá lê thê.



Con đường ra bến tàu không ngắn, đi bộ phải mất 30 phút.



Ðang đi, có tiếng hỏi, “Ở đây năm nào?”



Người nói 79, người thì 83, người 84.



Nhìn lại, một người đàn ông Indo đang nói tiếng Việt. “Hồi đó tui làm ở nhà máy nước đá nè.”



Người đàn ông ngoài 55, tên Waril Usman, kêu mọi người đến và chỉ cho xem ông còn giữ một số hình ảnh của trại tị nạn Galang được ông dán trang trọng trên một tấm bảng, bọc nhựa để ngay trên vách của quán cóc trước nhà ông. Có điều, bao năm rồi phơi cùng nắng gió, hầu hết các tấm hình đều đã phai mờ.



Dẫu sao, chỉ như vậy cũng đủ hiểu rằng, hình ảnh và tình cảm thuyền nhân năm nào vẫn còn trong ký ức người địa phương.



Chúng tôi lại tiếp tục ra bến tàu, nơi mà hầu hết những thuyền nhân có danh sách định cư tại Mỹ, đều đặt chân đến.



Cô Phi, ở San Jose, hồi tưởng, “Tôi nhớ cầu tàu này lúc tôi mới xuống, có đại diện cao ủy đến bắt tay. Lúc đó tôi mặc cái áo bà ba nhếch nhác.”



Chị Nguyệt Hương, người đặt chân đến đây từ 26 năm trước, dẫn tôi đến ngay chỗ “hồi đó tàu cặp vào đây. Chị từ trên bước xuống tàu dưới trời mưa tầm tã để sang Penang rồi sang Singapore.”



Trong khi đó, chú Ðinh Quang Anh Thái lại nhớ vị trí mà khi “tàu tôi cặp vào đây, ông bạn của tôi, Nguyễn Hoàng Duyên, đến Galang trước, đứng tại đây đón tôi.”



Ngay sát cầu tàu, có một trạm xá, mà ai mới bước lên đảo cũng phải đến đó lấy máu và khám sức khỏe.



Chú Lưu Dân, người của Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam, nói, “Cầu tàu này có từ cuối thập niên 70, bằng cây. Sau đó vì số người đến quá đông nên cầu được xây lại bằng xi-măng.”



Cầu tàu là nơi có nhiều kỷ niệm với mỗi thuyền nhân, là nơi chứng kiến hàng trăm ngàn người cặp bến cũng như ra đi. Trước mặt cầu tàu, là một quả đồi. Mỗi lần có chuyến tàu nào đi định cư thì bữa tiệc chia tay giữa người đi kẻ ở diễn ra tại đó. Cái tên “đồi tạm biệt” cũng vì vậy mà có.



Ðồi tạm biệt ngày xưa bằng phẳng, giờ đây ngút ngàn cổ thụ.



Các thuyền nhân năm xưa, trong hành trình ngược về chốn cũ này, cứ đứng tụm lại cùng nhau, nhắc nhau nghe những ký ức nơi bến tàu.



Không xa cầu tàu, là xác một con tàu vượt biên còn sót lại, cùng câu chuyện thảm khốc đã được bưng kín suốt nhiều năm. Người ta kể lại, khi dân đánh cá địa phương vớt được con tàu, cứ ngỡ đó là một chiếc tàu ma, bởi cứ thấy nó trôi lềnh bềnh, và không một bóng người.



Khi đến gần, mới biết trên tàu có 5 người còn đang thoi thóp. Sau chuyến vượt biên dài 2 tháng, 5 người đó đã sống sót trong số 22 người cùng tàu, nhờ cơn mưa bất chợt thấm tháp những cuống họng khát cháy.



Tàu hư. Lương thực cạn. Ðói. Khát. Vì sự sống còn, họ đã phải ăn thịt của những người đồng hành xấu số.



Họ được chữa trị trên đảo Galang này, được đưa đi định cư tại nước thứ ba trong thời gian sớm nhất.



Câu chuyện trên được kể ra sau thời gian bịt kín, đã góp phần làm đậm thêm nét đau thương và khốc liệt của trang sử thuyền nhân.



Những dấu chân kỷ niệm



Rời cầu tàu, chúng tôi đến thăm và ăn trưa tại nhà thờ Ðức Mẹ Vô Nhiễm và Kỳ Viên Tự. Trên con đường gần đến nhà thờ, cô Phi thắc mắc, “Văn phòng Nhà Báo Tự Do nằm ở đâu?” Chú Lưu Dân cho hay, “Cũng ở gần đây thôi, nhưng nó không còn dấu tích gì nữa. Khu vực đó cũng thành rừng rồi.”



Lang thang cùng vợ chồng chị Quế Hương, chúng tôi nhìn thấy ngay gần tại khu vực nhà thờ Ðức Mẹ Vô Nhiễm là hai dãy “barrack,” nhà của những thuyền nhân ngày xưa trên đảo, còn sót lại. Một dãy barrack đã sụp đổ, một bên cũng cũ kỹ và có dấu hiệu mục nát theo thời gian, nằm khuất trong bãi cỏ dại.



Anh Chi lẩm bẩm, “Hồi đó có đường đất đi vào đàng hoàng chứ đâu cây cỏ mọc kín hết thế này.”



“Bao lâu rồi đâu còn ai ở đây,” chị Hương nói nhỏ.



Nhưng chỉ cần có vậy, đủ giúp tôi hình dung “barrack,” nơi những người ở trại tị nạn từng sống, là như thế nào.



Trong lúc ngồi trên chiếc cầu đá bắt từ đường vào chùa ăn trưa trong những hộp “to-go” chú Thái bỗng 'rêu rao,' “Ðây là phòng thông tin Galang. Những đồng bào có số GN sau đây... lên phòng cao ủy để được phỏng vấn.”



Rồi lại “Ðây là phòng thông tin Galang. Sau đây là danh sách rời đảo...”



Câu “thông báo” của chú Thái dường như càng đong thêm nỗi nhớ cho những người đang tìm về ngày tháng cũ. Trong hành trang tôi đến đây, cũng có chi tiết này. Anh tôi kể, ngày xưa, anh trai tôi, cậu bé 15 tuổi, dù đang ở bất kỳ đâu, cũng dừng lại lắng nghe thật kỹ câu thông báo này, xem có tên mình không, suốt 18 tháng.



Anh Quế Chi nghêu ngao câu hát, “When I see you again...” Anh nhắc, “Mỗi sáng có người đi là đài phát bài đó cả buổi. Cô Phi lại nhớ mấy quán cà phê hay phát bài “Biển Nhớ” trong ngày này.



Từ Nhà thờ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, chiếc xe đưa chúng tôi quay trở ra, đến thăm Miếu Ba Cô.



Ðó là 3 ngôi miếu nhỏ nằm dưới gốc cây da vừa được anh Hùng, một thuyền nhân trong đoàn, đang ở Thụy Ðiển, cùng với những người bạn là dân địa phương, sơn phết, tu bổ lại. Hai ngôi miếu nằm liền nhau trước đây là “Miếu Hai Cô” (chữ còn ghi trên miếu), một ngôi miếu nằm gần vuông góc với hai ngôi miếu kia có vẻ được lập sau.



Câu chuyện về cái chết của ba cô gái còn rất trẻ đã treo cổ tự tử dưới gốc da này được kể lại theo nhiều cách khác nhau. Có điều sự linh thiêng và lòng tôn kính của mọi người dành cho những người con gái mang theo cái chết tức tưởi trên bước đường tìm tự do này, trước sau như một.



Khi chúng tôi vừa đến nơi, trời bất chợt đổ mưa. Dưới những giọt mưa ngày càng nặng hạt, những nén nhang được thắp lên, nguyện cầu.



Trong lúc chụp hình ngôi miếu, tôi hỏi Abu, một người Indo nói tiếng Việt rất giỏi, nơi mà Abu từng trông thấy “Ba Cô” về là ở đâu. Abu lắc đầu, “Thôi đừng nha.” Sau hỏi ra mới biết, chỗ Abu nhìn thấy chính là chỗ tôi chụp hình cho Abu.



Trên đường từ miếu Ba Cô trở ra, chúng tôi dừng chân nơi trước đây từng là nơi dựng tấm bia Tưởng Niệm Thuyền Nhân. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau khi bia được dựng lên, dưới áp lực của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội, chính phủ trung ương của Indonesia tại Jakata đã ra lệnh cho địa phương triệt hạ tấm bia. Và hôm nay trở về, tấm bia đã bị cưa sát đất, chỉ còn nhú lên vài cọng sắt.



Tấm bia có thể bị phá hủy, nhưng trong lòng mỗi người đều đã có một tấm bia tưởng niệm cho những đồng bào đã thác oan trên đường tìm tự do.



Cũng tại đây, 3 trong số 4 chiếc tàu của người vượt biên được vớt lên và trưng bày, đã bị đốt. Chiếc cuối cùng cũng đang bị gỡ ván, loang lổ. Người dân địa phương làm chuyện này hay chính quyền địa phương làm, vì mục đích gì? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.



Xe tiếp tục đưa chúng tôi đến Bảo Tàng Thuyền Nhân, nơi lưu dấu tích một thời của thuyền nhân Việt Nam. Một chiếc ti-vi cũ. Một chiếc radio bé xíu. Một chiếc đèn dầu. Một ấm nước còn đen muội than. Một chiếc cối đá. Một cái thau nhôm. Tất cả đều là biểu hiện của một thời cuộc sống người tị nạn đã hiện diện nơi đây.



Cũng trong viện bảo tàng này, trên những tấm bản lưu lại một số tấm thẻ thuyền nhân, ai cũng đứng nhìn, tìm đọc xem ai đó có quen. Cũng như vậy, ai cũng cố tìm xem trong khoảng 1,000 tấm hình chụp chân dung những người mới tới có mình hay không.



Lúc dừng lại chụp hình cổng chùa Tam Quan, tôi lại nhớ anh trai tôi. Hành trang tôi mang theo cũng có ngôi chùa này. Tôi nhìn lên con dốc, hình dung ra cảnh năm xưa anh tôi từng chạy lên đó, tìm sự bình an trong những lúc nhớ nhà, buồn tủi và chán chường.



Và nơi dừng chân cuối cùng của chúng tôi là nghĩa trang Galang.



Chị Nguyệt Hương nói, “nhớ hồi nghĩa trang này nằm tuốt phía trong mà.” Chị đâu ngờ, ngày đó chỉ mới khoảng 100 người nằm xuống, giờ đây, toàn nghĩa trang có đến 503 người, họ nằm ra gần sát con đường độc đạo lên Galang này.



Tuy vẫn nhuốm màu của sự lãng quên, nhưng nghĩa trang Galang không tan thương và hoang tàn như nghĩa trang trong đảo Kuku hay Air Raya.



Nơi đây có những ngôi mộ mà ngày sinh và ngày mất trùng nhau. Có ngôi mộ ngày sinh và mất cách nhau chỉ vài hôm. Có mộ do cha mẹ lập cho con. Có mộ do con lập cho mẹ. Có mộ anh lập cho em. Có mộ cháu lập cho dì.



Và có rất nhiều ngôi mộ, tôi không biết ai lập cho người nằm bên dưới, bởi, tất cả đã nhạt nhòa rong rêu.



Ðặc biệt, tại nghĩa trang này, rải rác trong khu mộ có nhiều thanh niên qua đời trong độ tuổi 20, 30. Họ mất vào khoảng thời gian năm 89-90-91 bằng cách tự thiêu hoặc mổ bụng, nhằm phản đối chính sách cưỡng bách hồi hương. Ngay tại Miếu Ba Cô, ngay tại “con đường máu,” theo lời chú Lưu Dân kể lại, đã có người đầu tiên cầm dao mổ bụng vừa chạy, vừa chạy la lên, “Ðồng bào ơi, đồng bào ơi đoàn kết lại chống hồi hương.” Và anh gục xuống.



Cũng tại nghĩa trang này, còn có hai ngôi mộ nằm kề nhau, là chứng tích cho một tình yêu của đôi trai gái đã cùng kết thúc cuộc đời mình ở vào tuổi 18, 19 đẹp nhất đời người. Sự xung khắc của hai gia đình cùng có mặt trên chuyến tàu vượt biên OR 0302104, cặp bến Galang ngày 16 tháng 3, 1990, họ đã thề không đội trời chung. Bế tắc trước hận thù của cha mẹ, người con trai đã tự kết thúc cuộc đời mình ngay trước ngày được đi định cư ở nước thứ ba. Người con gái cũng liều mình theo người yêu cho trọn lời nguyện ước.



Hai cái chết vào đêm 24 tháng 3 năm 1993 đó không biết có đủ cho những người lớn kịp nhìn lại.



Cái giá của tự do, đâu chỉ là những xác người trôi trên biển cả, đâu chỉ là những người bỏ mình vì bệnh tật. Cái giá đó, đau thương và khốc liệt hơn nhiều.



Trời lại đổ mưa.



Lắc rắc.



Xám xịt.



Văng vẳng đâu đây câu hát:



“Chiều ra biển vắng ngậm ngùi

Nhớ em và nhớ cả trời Việt Nam...”



Tiếng kinh của người Hồi Giáo trong chiều vắng vang lên, ru hồn những người đang nằm lại nơi xứ người.



Ngày lên đường rời Cali, hành trang tôi nhẹ lắm.



Giờ đây, có lẽ không chỉ mình tôi, mà hành trang ngày về của mọi người đều dường như nặng thêm nhiều. Rất nhiều. Những tâm tư. Ðau nhói. "




(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=111092&z=211)

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/9838331

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến