Tác giả: Phan Huê
Nhân được nghỉ lễ 3 ngày, nên lượng khách đổ về miền Tây khá đông, đã làm cho phà Hậu Giang kẹt dài 4 Km.
Hành khách dù phải đợi hơn 2h mới qua được phà, nhưng hầu như không ai cằn nhằn về chuyện này. Trái lại mọi người cố nhìn những chiếc phà lần cuối – một hình ảnh gắn liền với người dân vùng sông nước cả trăm năm nay
Anh Hải – tài xế xe khách Kumho – Samco chạy trên tuyến đường này mấy năm nay , thì bùi ngùi “hết phải qua phà xe sẽ đi nhanh hơn, nhưng tôi cứ thấy thiếu cái gì đó”.
Dưới kia những công nhân phà đang kéo dây neo với khuôn mặt buồn rười rượi – dù khẩu hiệu treo trên phà hôm nay là chào mừng ngày lễ 30/4 và khai trương cầu Cần Thơ.
Cô Mỹ An – nhân viên phục vụ trên xe của anh Hải thì cố nhoài người ra cửa xe để “tạm biệt các anh nhé”, nhưng cũng không giúp cho họ vui hơn.
Các hàng quán hai bên phà bắt đầu thưa thớt, còn những món “nếu hôm nay ế là ngày mai không biết bán cho ai” – như lời một em bé bán nem chua, thì ít hẳn đi. Tuy vậy vợ chồng bà ba Điệp – chủ một tiệm tạp hóa lại không có vẻ hốt hoảng vì họ cho rằng sau này con cháu sẽ khá hơn nhờ cây cầu này.
Mấy tuần nay du khách đã ý thức được ngày ra đi của phà, nên nhiều người cố gắng chụp hình ghi lại khoảng khắc qua phà Hậu Giang và giữ những tấm vé phà để làm kỷ niệm.
Riêng tôi, nhìn quanh quẩn khắp hai đầu phà vẫn chỉ thấy khẩu hiệu “chào mừng quí khách đến với phà Hậu Giang” mà không thấy bất kỳ một băng rôn nào đại loại như “ Phà Hậu Giang sau gần 100 năm phục vụ, nay xin tạm biệt và chúc quí khách qua cầu thượng lộ bình an”, mà lòng thấy buồn.
Với tôi cũng như nhiều người dân ĐBSCL, thì phà Hậu Giang sẽ mãi là một hình ảnh thân thương.
Cần Thơ , chiều 23/4/2010
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=5593
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét