" Singapore- điểm dừng năm xưa, điểm hẹn hôm nay.
“Trời ơi, Thái! Mình không ngờ gặp Thái ở đây!”
“Trời ơi, Phi! Cũng về chuyến này à?”
“Tôi là Duật. Còn đây là vợ tôi, Hương. Chúng tôi từ San Francisco đến.”
“Ðây là chú Ðức đến từ Florida. Còn chú Hanh, anh ruột Ðức, bay từ Úc sang.”
“
Còn đây là Chi và Hương. Hai vợ chồng tụi này ở Canada...”
... Vừa bước ra khỏi phi trường sau hành trình dài gần cả 20 tiếng, sự mệt mỏi bay biến bởi những tiếng chào, tiếng reo mừng của sự tình cờ gặp gỡ giữa các thuyền nhân năm xưa. Ngoài hai anh em Ðức và Hanh, còn lại chẳng ai biết ai sẽ có mặt trong chuyến “Về Bến Tự Do” này. Họ chỉ biết là mình cần có mặt tại phi trường Singapore đúng ngày đúng giờ để cùng về thăm những vùng đất xưa kia từng dung chứa người tị nạn, những hòn đảo từng lưu dấu chân họ mấy mươi năm về trước.
Ký ức ngày xưa...
Nếu như câu đầu tiên cách đây mấy mươi năm, các thuyền nhân thường hỏi nhau khi mới đặt chân lên đảo là “Ở đây bao lâu được ‘đi’?” thì hôm nay, “Anh/chị ở đảo nào?” là câu giới thiệu mọi người với nhau trong chuyến “quay ngược hành trình” này.
Ngoài vợ chồng cô Hương và chú Duật, trên chuyến xe từ phi trường về khách sạn, cô Phi ở San Francisco, chú Ðức ở Florida, chú Hanh ở Úc cũng cười nói tíu tít như bắp rang. Thoạt nhìn cứ ngỡ họ là một gia đình. Sau mới biết, 3 người cùng đi trong một chuyến tàu, ở cùng một đảo, và giờ đây, ngoài anh em chú Hân và Ðức đã hẹn cùng nhau, họ không ngờ gặp cả cô Phi trong chuyến đi này. Mọi câu chuyện đều quay về những ngày ở đảo.
“Nhớ khi ấy, hai anh em mà có 3 cái quần ‘xà lỏn’ à. Thành ra người phải tắm sáng, người tắm chiều để có cái thay.” Chú Ðức kể trong tiếng cười nắc nẻ.
Cô Hương góp vô, “Vậy là hơn tui rồi. Tui chỉ có một cái một. Lúc đi trên tàu, mặc hai cái quần tròng vào nhau, nhưng 4, 5 ngày ngâm dưới nước biển, lúc bước được lên bờ, nó rách dài từ dưới lên trên.”
“Em nhớ anh Hanh khi ấy bảo chừng nào sang được nước thứ 3, anh sẽ mua ngay một ký nho, chạy vào phòng, cất chìa khóa và ngồi ăn cho đã.” Cô Phi nhắc chuyện.
“Ba ký, chứ không phải một ký!” Chú Hanh, với giọng từ tốn và hóm hỉnh của người trên dưới 70, cải chính. “Ôi, lúc đó cái gì cũng thèm. Ðến gạo người ta phát ăn cũng phải dè sẻn, để dành dụm, sợ sang đảo khác có còn cái mà ăn.”
Chú Duật kể, “Tôi nhớ khi đó trên đảo còn hoang sơ lắm. Họ cứ cắm nhà ở dài dài, tiêu tiểu tại chỗ nên ruồi thôi là ruồi. Chỉ cần giơ tay một cái là bắt cả nắm nên gọi là ‘Ðảo Ruồi.’”
“Nãy giờ tụi tui cứ thắc mắc, hồi xưa đám đàn ông con trai ra suối tắm là đúng rồi. Thế còn phụ nữ khi đó tắm ở đâu?” Chú Ðức lại hỏi “cắc cớ.”
“Thì chắc cũng phải có cách nào tắm chứ. Tự dưng lại quên mất rồi.” Cô Phi, cũng từng là “cư dân” của Galang những năm 82, 83 trả lời...
Chuyện nọ tiếp chuyện kia, cứ vậy, rôm rả ngay từ những lúc đầu hội ngộ.
Kỷ niệm những ngày chòng chành trên biển.
Kỷ niệm khi tàu cập bến tự do.
Kỷ niệm những ngày đói khổ “cả tháng trời mỗi ngày chỉ một chén cháo cầm hơi.”
Kỷ niệm những hòn đảo lúc còn hoang sơ với người đến trước, lúc đã “trù phú,” “tiện nghi” với người đến sau.
Kỷ niệm “tăng gia sản xuất” trồng rau muống để “sáng rau, chiều rau, tối rau.”
Kỷ niệm cứ vùi những hạt đậu xanh xuống cát, sau đó nó nhô lên thành giá.
Kỷ niệm được người ta dạy nấu ăn nhưng họ không cho mình ăn, khiến “buồn ghê lắm”
Kỷ niệm cứ mỗi tối mấy mẹ con dắt nhau ra hàng hiên nhà người ta ngồi, như những kẻ “homeless,” “ngồi vậy thôi, chẳng biết để làm gì, chờ đợi cái gì,”
Kỷ niệm và kỷ niệm. Cứ đua nhau tuôn về. Ồ ạt.
Có điều, tất cả đều nhắc lại những ngày mà tương lai chưa biết đâu là bến là bờ với những nụ cười giòn tan, những câu nói tiếu lâm, cùng những tình cảm yêu thương, quyến luyến, không một chút ân hận, hối tiếc.
“Tụi tui nằm trong số người đến đảo khá sớm, nên tất cả mọi thứ trên đảo đều còn rất hoang sơ. Cây cỏ, rừng rậm um tùm, cứ vậy rồi ‘phát hoang,’ rồi đốn cây mà làm nhà, làm giường,” cô Hương kể.
Sau 7 lần vượt biên, bị bắt, ở tù, tiền bạc tài sản hầu như chẳng còn gì, cuối cùng vợ chồng cô Hương cùng ba đứa con, lớn nhất 12, nhỏ nhất lên 5, cũng đặt chân tới đảo Letung.
“Ðầu tiên là tới Mã Lai. Nhưng nó không cho tàu cập bờ, nó đuổi ra bởi các đảo của nó đông quá rồi. Nó dùng tàu lớn buộc dây vô tàu mình để kéo ra biển trở lại. Thấy sợ lắm, sợ bể tàu. Cuối cùng, mọi người quyết định cắt dây, để mặc cho tàu trôi bồng bềnh trên biển. Sau đó, một chiếc tàu của Indo thấy và hướng dẫn mình về đảo Letung.” Vợ chồng chú Duật nhắc lại.
Rất tình cờ, tôi được biết, chú Duật là một trong số những người đầu tiên kêu gọi quyên góp tiền xây ngôi chùa trên đảo Galang, cũng như dự phần vào việc hướng dẫn mọi người làm các hầm phân tự hoại, thiết kế hệ thống nước do UNICEP tài trợ.
Chú Duật kể, “Lúc đó có nhiều người tốt lắm nha. Có những ông thợ mộc cũng đi vượt biên, giỏi lắm. Ngày nào họ cũng vác đồ nghề lên xây chùa. Nhiều người dân địa phương cũng tốt.”
Ngôi chùa chưa kịp hoàn thành thì gia đình chú Duật đã lên đường đi Mỹ. Công việc còn lại những người sau tiếp nối.
“Ở đây như một Việt Nam không có Cộng Sản”
Chiếc xe đưa chúng tôi từ phi trường về một khách sạn không nằm trong trí tưởng tượng về một Singapore “sạch như lau” và “không một cọng rác.”
Ðó là một xóm bình dân, rất bình dân. Khách sạn với những gian phòng nhỏ hơn bất kỳ phòng khách sạn nào mà tôi đã từng ở. Ðặc biệt, cả khách sạn, kể cả phòng tiếp tân, đều không có Internet.
Có điều, với mọi người, nơi xóm bình dân này có một cái gì đó gần gũi đến nao lòng: giống Việt Nam, giống khu Chợ Lớn.
Trong đoàn, đâu chỉ có một, hai hay ba, mà có nhiều người chưa từng đặt chân về đến mảnh đất tổ tiên kể từ ngày ra đi. Dù rằng, có đôi lần, họ đang có mặt ở những cột mốc mà đứng bên này có thể nghe tiếng gà Việt Nam đang gáy.
Chính vì nó giống quá nên đến đây lại ngỡ như bước chân về nhà. “Tôi cảm thấy sướng quá! Cứ như về Việt Nam mà không có Việt Cộng vậy.” Chú Ðức, một thuyền nhân năm xưa, một bác sĩ hôm nay, thích thú nhận xét.
Cũng những ngôi nhà lụp xụp, quần áo phơi trên sào ngổn ngang ngoài sân, những người dân bắc ghế ra ngồi trước hiên, những hàng quán đông nghịt người ăn uống, nhậu nhẹt, đường phố như mắc cửi, xe chạy ngang chạy dọc như xông trận, và những kẻ băng qua đường cứ như những “chiến sĩ tiên phong liều mình” bất chấp luật, bất chấp xe...
Người dân địa phương, cũng như dân Việt Nam mình, cứ lom lom mắt nhìn chúng tôi, chẳng cần che đậy, giấu giếm. Chúng tôi cứ đi. Khám phá. Tìm hiểu. Tại sao lại có một Singapore chưa hề nghe nhắc đến thế này. Ðường cũng rác, cũng dơ. Thiên hạ cũng “cà chớn” đúng kiểu đa phần dân Châu Á, không chào hỏi mà cứ thích sân si, trịch thượng.
“Tôi không quan tâm những chuyện đó. Tôi chỉ muốn đi tìm về những nơi mình đã sống thôi.” Cô Phi, cô Hương nêu nhận xét.
Sao cũng được. Sau khi khám phá một tiệm ăn và nhậu rất giống kiểu Sài Gòn, cả đoàn người kéo nhau đi kiếm trái cây nhiệt đới mà mua.
Tha về nào sầu riêng, nào bòn bon, nào măng cụt, nào mít, nào đu đủ, nào ổi, nào mận, đến nỗi chú Thái tủm tỉm cười, “Ăn gì mà ăn lắm thế!”
Trong căn phòng bé tí, chen nhau ngồi trên giường, những thuyền nhân năm xưa lại râm ran tiếp chuyện ngày xưa. Họ kể nhau nghe, và kể tôi nghe, nỗi khát khao được một lần quay về thăm trại tị nạn.
“Hồi mình đến đảo chỉ mới ngoài ba mươi. Giờ này ai cũng muốn trên ‘sáu bó’ hết rồi. Không đi bây giờ thì còn có dịp nào mà về.” Chú Duật tâm sự.
“Chuyến đi này của tôi như một hành trình quay ngược 31 năm về trước. Ngày xưa, từ Việt Nam tôi đi, đến Letung, đến Galang, rồi đến Singapore, rồi đến Mỹ. Bây giờ tôi đi ngược lại. Y chang như vậy.” Chú Duật nói thêm.
“Tôi mổ thay đầu hai đầu gối nên cả 3 năm nay không đi đâu hết. Nhưng chuyến này phải đi thôi, về thăm lại nơi cũ. Có nhiều người tốt với mình hồi trước ở đó. Không biết bây giờ họ còn sống không.” Cô Hương chia sẻ.
Cô Phi nhẹ nhàng, “Tôi trông chờ chuyến đi này lâu lắm rồi. Lúc mới qua ai cũng túi bụi với cuộc sống mưu sinh. Khi đã ổn định rồi thì hầu như ai cũng muốn quay về thăm nơi cũ. Tôi nghĩ ai cũng sẽ xúc động lắm khi đặt chân về đảo.”
“Tôi ‘plan’ trước chuyến đi này cả 3 tháng nay. Nôn nao lắm. Tôi nhớ hoài cảm xúc của tôi khi đặt chân đến đảo. Chưa bao giờ tôi hát vang với một niềm xúc động đến vậy.” Chú Ðức, khác hẳn mọi người về suy nghĩ lần đầu lên trại tị nạn.
“Ðó là thiên đường. Bởi mục đích mình đi không phải là vật chất, mà muốn thở hơi thở tự do nên đó là ‘the best time of my life.’”
Sau tháng 4 năm 1975, chú Ðức trải qua hơn 6 năm trong “trại cải tạo.” Sau khi ra tù, chú đi vượt biên liên tục. Ði, bị bắt. Ra tù, lại đi. Ðến chuyến cuối cùng là chú đi ngay sau khi ra tù đúng một hôm.
“Mình đang ở trong tù Cộng Sản ra, được sang đến xứ tự do, ‘feelings’ mình ‘good’ lắm.” Chú Ðức nêu cảm tưởng.
Ngày đầu tiên trên đất Singapore đã trôi qua như thế.
Trưa nay, mọi người sẽ xuống tàu, quay ngược hành trình tìm về chốn xưa.
Trưởng đoàn báo trước, mọi phương tiện sinh hoạt, điều kiện sống trong những ngày tới sẽ còn “khó khăn” hơn cho những ai đã quá quen với sự đầy đủ tiện nghi. Nhưng có sao đâu, “ai đã trải qua những ngày ở đảo rồi thì không có nơi nào mà không sống được. Rồi cũng xong.” Cô Hương kết luận chắc nịch.
Cô quên rằng, trong đoàn còn có một kẻ ngoại đạo, là tôi."
(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=110728&z=1)
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/9533221
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét