Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, liên hệ tới Việt Nam quê hương một thời của tôi, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.
"Một tàu đánh cá bị ‘tàu lạ’ đâm chìm
QUẢNG NGÃI (TH) - Thêm một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam vừa bị Trung Quốc bắt và đòi tiền chuộc, trong khi một tàu khác bị “tàu lạ” đâm chìm, theo tin của nhiều báo ở Việt Nam ngày Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010.
Theo các nguồn tin này, thuyền trưởng Tiêu Viết Là đã gọi điện thoại thông báo về nhà là chiếc tàu đánh cá của ông với 12 thuyền viên đã bị giữ ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, từ hôm 21 tháng 3, 2010 vừa qua. Báo Pháp Luật nói nhà cầm quyền Trung Quốc đòi 70,000 nhân dân tệ (khoảng $10,247 USD) tiền chuộc mới thả cho về.
Ông Là, cư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, từng bị Trung Quốc bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và tịch thu tàu hồi tháng 5, 2007.
Theo lời ông Nguyễn Tấn Thành, chủ tàu, nói với VNExpress thì ông không ra khơi với tàu lần này. Ông cho hay khi thấy gió lớn, thuyền trưởng cho tàu chạy đến đảo Phú Lâm tránh gió thì bị bắt giữ luôn.
Chiếc tàu trị giá khoảng 250 triệu đồng, mang theo một số nhiên liệu, ngư cụ, lương thực để hành nghề biển khoảng 200 triệu đồng.
“Hầu hết gia đình các ngư dân bị giữ ở Hoàng Sa có hoàn cảnh nghèo khó nên suốt hai ngày qua, họ mất ăn mất ngủ, không biết xoay xở tiền từ đâu để chuộc người thân và tàu về.” VNExpress viết. “Bà Nguyễn Thị Bưởi, vợ thuyền trưởng Là cho biết, chiều 25 tháng 3, chồng bà từ Hoàng Sa có gọi điện về nhà hối thúc chuẩn bị tiền chuộc. “Nhưng tôi vay mượn, xoay sở các nơi chỉ mới có vài chục triệu đồng, làm sao đủ để trả,” bà Bưởi nghẹn ngào nói. Hai số liên lạc mà ông Là gọi về nhà cung cấp để trao đổi nộp tiền, khi người vợ gọi lại thì chỉ nghe toàn tiếng Trung Quốc nên không nói chuyện được.”
Báo VietnamNet, viết hơi khác với các nguồn tin trên, thì nói tàu của ông Tiêu Viết Là “làm thuyền trưởng kiêm chủ tàu, với 12 thuyền viên đang lặn săn tìm hải sâm tại vùng biển quanh đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) đã bị tàu Trung Quốc bắt giữ. Danh tính các thuyền viên trên tàu của ông Là chưa được thông báo. Tuy nhiên, 12 thuyền viên này chủ yếu là bà con ruột thịt của thuyền trưởng Tiêu Viết Là trú tại thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.”
VietnamNet còn nói thêm “tàu ông Là bị bắt giữ vào sáng ngày 24 tháng 3, khi trên đường chạy ra khỏi vùng biển đảo Phú Lâm sau một đêm đánh bắt tại các rạn san hô quanh đảo Phú Lâm khoảng chừng 5 hải lý.”
Ngày 16 tháng 6 năm ngoái, tàu tuần Trung Quốc đã bắt 3 tàu đánh cá của Việt Nam khi họ đang tìm chỗ tránh bão, kéo về đảo Phú Lâm đòi chuộc mỗi tàu 70,000 nhân dân tệ. Nhà cầm quyền Hà Nội điều đình thì gần 2 tuần sau, Trung Quốc chỉ thả một chiếc tàu với 25 ngư dân, một chiếc vẫn còn bị giữ với 12 ngư dân. Ít lâu sau, Trung quốc bắt thêm tàu đánh cá khác, bắt chở 12 ngư dân này về và vẫn không trả 2 tàu đánh cá.
Bên cạnh việc bắt tàu đánh cá của Việt Nam đòi chuộc, báo Pháp Luật ngày 26 tháng 3, 2010, cho hay một tàu đánh cá khác của ngư dân Phạm văn Quang của xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng ngãi, và 8 thuyền viên “đã bị mất liên lạc từ ngày 25 tháng 3, 2010.”
Ðồng thời tờ Pháp Luật nói, “Cùng ngày, bộ đội Biên Phòng tỉnh Nghệ An cho biết đang phối hợp cùng cơ quan chức năng điều tra vụ một tàu lạ tông chìm tàu NA-2218-TS do anh Nguyễn Văn Dân (trú xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An) điều khiển rồi bỏ chạy. Khi bị tông, tàu NA-2218-TS đang đánh cá ở tọa độ 18 độ 50 phút vĩ Bắc-106 độ 32 phút kinh Ðông. Các tàu đánh cá gần đó đã kịp đến cứu anh Dân cùng ba ngư dân trên tàu.”
Từ “tàu lạ” thường được báo chí trong nước ám chỉ tàu tuần võ trang của Hải Quân Trung Quốc.
Ngày 13 tháng 3, 2010 vừa qua “tàu đánh cá QNg-96516 TS cùng 17 thuyền viên vừa bị tàu lạ đâm chìm đã được tàu cá của ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, cứu và đưa về đảo Lý Sơn an toàn. Trước đó, vào khoảng 2 giờ sáng 8 tháng 3 tàu QNg-96516 TS của ông Dương Thành Phú ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, trên tàu có 17 thuyền viên đang ngủ thì bất ngờ bị một tàu của nước ngoài đâm chìm tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.” VietnamNet ngày 13 tháng 3, 2010, đưa tin như vậy và cho hay “do bị đâm chìm bất ngờ nên 17 ngư dân không kịp trở tay, chỉ phát được tín hiệu cấp cứu bằng máy di động cho các tàu bạn neo đậu gần đó tới ứng cứu. Rất may, tàu của một ngư dân xã Bình Châu neo đậu gần đó phát hiện tàu gặp nạn đã kịp thời cứu toàn bộ 17 ngư dân. Tài sản trên tàu bị chìm, ước thiệt hại gần 2 tỷ đồng.”
Năm ngoái, một số tàu đánh cá của Việt Nam đã bị “tàu lạ” đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền, ngoài những tàu bị kéo về đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa bắt chuộc.
Ngày 21 tháng 10, 2009, VietnamNet dẫn lời Ðào Hồng Ðức, phó cục trưởng Cục Khai Thác và Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản CSVN thì, “Việt Nam đang đàm phán với Pháp để vay 13.9 triệu Euro nhằm triển khai dự án dùng thiết bị vệ tinh giám sát hoạt động của tàu đánh cá trên các vùng biển.”
Khoảng 3,000 trong số 15,000 tàu đánh cá xa bờ của ngư dân Việt Nam khai thác thủy sản ở khu vực quanh các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các khu vực biển giáp ranh với các nước khác hay “nhậy cảm.”
Dự án này hiện đi tới đâu, chưa thấy loan báo. Số lượng tàu khai thác thủy sản ở Việt Nam khoảng 131,000 chiếc nhưng chỉ có khoảng 16,000 chiếc có công suất từ 90 mã lực trở lên để đánh cá xa bờ.
( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=110451&z=1)
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/9371751
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét