Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

VN làm phim về Lý Công Uẩn ở... Trung Quốc

Đọc báo thấy tin này đáng chú ý, liên hệ tới Việt Nam quê hương một thời của tôi, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.



"Phim Lý Công Uẩn - Ðường tới Thăng Long



HÀ NỘI 16-3 (TH) - Gần một chục phim điện ảnh và truyền hình nhiều tập dựa vào về tài vị vua khai sáng triều đại nhà Lý được nhiều nhóm làm phim khác nhau thực hiện. Nhưng một trong những phim về vua Lý Công Uẩn “hoành tráng nhất” lại được quay ở Trung Quốc, với đạo diễn và kỹ thuật của phim trường Trung Quốc.



Theo bản tin của VNExpress ngày 16 tháng 3 năm 2010, “Ðạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Cận Ðức Mậu đảm nhận công việc dẫn dắt các diễn viên Việt Nam hoàn thành bộ phim ‘Lý Công Uẩn - Ðường tới thành Thăng Long’ với những cảnh quay hoàn toàn tại phim trường Hoành Ðiếm.”



Cận Ðức Mậu là đạo diễn phim truyện nhiều tập về vị quan xử án nổi tiếng thanh liêm và công bằng trong cổ sử nước Tàu là Bao Thanh Thiên được chiếu rộng rãi trên các đài truyền hình cũng như được thu lại thành bộ để bán trên thị trường. Hoành Ðiếm là phim trường nổi tiếng của Trung Quốc ở mãi tỉnh Triết Giang.



Theo bản tin VietNamNet, khác với các phim “Khát vọng Thăng Long” và “Trần Thủ Ðộ”, và những bộ phim khác cùng chủ đề thực hiện nhân tổ chức Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được thông báo trên nhiều phương tiện truyền thông và nhận nhiều luồng dư luận trái chiều, Lý Công Uẩn - Ðường tới thành Thăng Long chọn cách làm lặng lẽ.



VNExpress nói “Phim được bấm máy ngày 13 tháng 12 năm 2009 và hoàn tất các cảnh quay vào cuối tháng 3 năm nay. Nhưng ngoại trừ thông tin Á Hậu Thụy Vân cung cấp về vai diễn của cô trong phim, Lý Công Uẩn - Ðường tới thành Thăng Long vẫn được phủ trong bức màn bí mật”.



Tại sao một cuốn phim lịch sử quan trọng lại được quay bí mật ở bên Trung Quốc? Một số trong những lý do được nêu ra là “đoàn làm phim chọn quay ở Trung Quốc bởi nước này có kinh nghiệm lâu năm về làm phim cổ trang, dù chi phí cao hơn nhiều ở Việt Nam. Các khâu từ bối cảnh, phục trang, hóa trang, đạo cụ đã được chuyên môn hóa ở trình độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phim với mục tiêu cao nhất là sẽ ra mắt đúng dịp đại lễ. Việc chọn đạo diễn Cận Ðức Mậu cũng nhằm đảm bảo cho tác phẩm tiền tỷ này tránh được những hạt sạn.” Chống chế thêm cho quyết định sang quay phim lịch sử Việt Nam ở Trung Quốc, VNExpress nói “Trường quay, đạo diễn Trung Hoa nhưng êkíp thực hiện cho rằng phim vẫn mang đậm hồn Việt bởi tinh thần phim và diễn xuất của các diễn viên”.



Một ít chi tiết được công bố chỉ là “Có 40 diễn viên Việt Nam tham gia, trong đó có những gương mặt tên tuổi như Á Hậu Thụy Vân, NSƯT Trung Hiếu, Hoàng Hải, Anh Thái, Phan Hòa... Diễn viên Trung Quốc chỉ tham gia vai quần chúng”.



Một cách gián tiếp, để thực hiện một phim lịch sử quan trọng, các công ty làm phim quốc doanh hoặc tư nhân ở Việt Nam không đủ khả năng và trình độ, phương tiện kỹ thuật cao để thực hiện?



Nội dung cuốn phim “Lý Công Uẩn - Ðường tới thành Thăng Long” xoay quanh cuộc đời của vua Lý Thái Tổ, người quyết định dời đô và khai sinh ra thành Thăng Long trong một chuỗi lịch sử quan trọng nối nhà Ðinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý.



Từ một chục năm trước, nhà cầm quyền Hà Nội đã ra chi thị và đặt kế hoạch tổ chức kỷ niệm “Nghìn Năm Thăng Long”. Nhưng trước những tranh cãi, và cả tranh giành những khoản tiền nhà nước bỏ ra làm phim khoảng 200 tỉ đồng, hai ba năm trước, đã từng có tin dự án bị bỏ vì các tranh cãi của các nhóm tiêu tiền.



Ngày 30 tháng 8 năm 2007, Lê Ðức Tiến, giám đốc hãng phim quốc doanh VietNamfilm hùng hồn tuyên bố làm một phim nhựa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long về Lý Công Uẩn tới nơi tới chốn để “không xấu hổ với tiền nhân”.



Một số kịch bản khác nhau của nhiều người viết nổi tiếng trong nước được phối hợp lại, theo các bài báo dạo đó ở trong nước, nhưng rồi dự án bị bỏ ngang. Tiếp đến, các nhóm khác nhau thực hiện theo cách đi tìm đầu tư riêng để thực hiện. Từng có cả ý kiến nêu ra là mời một đạo diễn Việt kiều tham gia để có thể lấy tiếng của họ mà đem chiếu ở nước ngoài kiếm tiền, đỡ bị chống đối.



Ngoài phim truyện 12 tập, mỗi tập 45 phút với tựa đề “Lý Công Uẩn - Ðường tới thành Thăng Long”, người ta còn thấy có những phim khác như “Khát vọng thành Thăng Long”, “Thái sư Trần Thủ Ðộ”, “Long thành cầm giả ca” và cả phim hoạt họa “Người con của Rồng” v.v...



Nay cái chuyện không xấu hổ với tiền nhân được quay với cảnh trí mà người ta thấy trong các phim dã sử Trung Quốc, quần áo trang phục được cải biên, liệu nó sẽ có bao nhiêu phần Việt Nam, chờ xem.



Theo báo Kinh Tế và Ðô Thị ngày 12 tháng 3 năm 2010, chế độ Hà Nội đưa hai phim (giờ này chưa biết hoàn tất đến đâu) “Lý công Uẩn - Ðường tới thành Thăng Long” và “Khát Vọng Thăng Long” vào “nội dung chính thức của chương trình Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long”. "




( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=109956&z=2)

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/9008521

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến