Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Hơn 70% rau sống ở các quán ăn tại Sài Gòn nhiễm giun


Đọc báo thấy bài này đáng chú ý, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn.



"SÀI GÒN- “Rau sống ở các quán ăn tại Sài Gòn đang nhiễm rất nhiều loại ký sinh trùng. Nguy hiểm hơn, sau khi rửa lại bằng nước sạch, sục khí ozon... rau vẫn chứa đầy mầm bệnh.”



Kết luận kể trên được trích từ một bản nghiên cứu của bà Trần Thị Hồng, chủ nhiệm bộ môn Ký Sinh Trùng-Vi Nấm Học, Ðại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cùng cộng sự sau khi nghiên cứu rau sống ở 50 quán ăn trong nhà và 50 quán ăn đường phố được chọn ngẫu nhiên.



Nghiên cứu này cho biết, sau khi lấy mẫu rau sống từ các món ăn như: hủ tiếu, bún bò, phở, bún riêu, bún mắm, mì quảng,... ngâm vào nước, lọc cặn quay ly tâm, soi kính hiển vi, kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng chung trên rau chiếm 72%. Tỷ lệ nhiễm ở các quán ăn đường phố cao gấp 2,4 lần so với quán ăn trong nhà.



“Tiếp tục dùng những mẫu rau nhiễm ký sinh trùng rửa lại bằng nước máy và sục khí ozon nhưng tỷ lệ ký sinh trùng bám trên rau rửa bằng nước máy vẫn chiếm gần 100%, còn ở mẫu sục khí ozon chiếm 73%.” Bản nghiên cứu cho biết thêm.



Theo lời bà Hồng, rau sống nhiễm khuẩn chủ yếu là trùng lông, trùng roi, bào nang amip (E. histolytica, E. coli), ấu trùng giun (giun móc, giun đũa, giun đũa chó). Ðáng lo ngại, khi tất cả các quán ăn này đều đã rửa rau sau khi mua ở chợ, siêu thị.



Nghiêm trọng hơn, nhiều loại rau còn “dính phân.”



Theo ông Trần Phủ Mạnh Siêu, trưởng khoa Xét Nghiệm, bệnh viện Bệnh Nhiệt Ðới Sài Gòn, khuyến cáo, việc rau nhiễm E. coli chứng tỏ trong rau đã dính phân do thả chó mèo chạy rông hoặc dùng phân tươi bón rau, tưới rau bằng nước dính phân. Tùy thể trạng từng người, khi xâm nhập cơ thể, ký sinh trùng có thể tấn công ngay hoặc chờ cơ hội khi sức đề kháng cơ thể suy giảm. Vào cơ thể, bào nang amip gây bệnh lỵ amip, đau bụng, tiêu chảy có đàm nhớt kéo dài, còn vi sinh Coliforms dễ gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Trứng hoặc ấu trùng giun khi xâm nhập, có thể gây thiếu máu, suy dinh dưỡng, còi cọc, học mất tập trung, rối loạn tiêu hóa, tắt ruột, thủng ruột, áp-xe gan, viêm màng não..."




(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112531&z=157)



Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/11078101

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến