"Một thành phần du học, nhiều hoàn cảnh xuất thân
Kỳ I
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - “Người ta hay nói, sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ là 'con ông cháu cha,' nhiều tiền lắm của, chỉ lo ăn chơi, em nghĩ điều đó có đúng không?” tôi hỏi Khoa Trần, sinh viên một trường đại học cộng đồng ở Orange County, California.
“Ðó là nhận xét hoàn toàn không đúng,” Khoa trả lời lập tức. “Trong 10 đứa học sinh Việt Nam thì hết 9 đứa rưỡi đã mơ ước được qua Mỹ học, không cần là giàu nghèo, là con ông cháu cha hay không.”
Câu chuyện về đề tài “Sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ có phải là kẻ nhiều tiền lắm của?” bắt đầu như thế.
Du học tự túc là “một sự liều lĩnh”
“Tốt nghiệp đại học, đang đi làm, tự dưng nảy ra ý muốn đi du học. Thế là em cùng với ba xách xe chạy đi hỏi cách thức làm giấy tờ đi du học ra làm sao.” Khoa nhớ lại.
“Em đi du học khi vừa học xong năm thứ nhất Ðại Học Bách Khoa,” Hưng Lê, một sinh viên du học khác, cho biết.
Lý do Hưng đi du học vì “thấy có nhiều bạn bè đi, em cũng muốn ‘cạnh tranh’ nên xin ba mẹ cho đi. Thêm vào đó em hiểu rằng nếu em được đi du học thì cơ hội mở rộng hơn cho em ở tương lai.”
Hưng nói: “Nhiều người nghĩ đi du học là gia đình phải thực sự giàu có, nhưng thực tế không phải vậy.” Theo Hưng, nhiều người chấp nhận đầu tư vào việc học cho con, vì tương lai của con cái nên thậm chí “bố mẹ có thể bán nhà cho con đi du học.”
Với con số hơn 10,000 du học sinh hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ theo nhiều chương trình khác nhau, Việt Nam trở thành một trong 10 nước có số sinh viên du học đông nhất tại Hoa Kỳ.
Chính sách bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng mở rộng, việc du học Hoa Kỳ “dễ thở” hơn đôi chút so với quá khứ, khiến cho giấc mơ “du học tại Mỹ” trở nên thôi thúc hơn đối với sinh viên học sinh Việt Nam.
Sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ theo nhiều cách khác nhau: theo diện học bổng, theo diện trao đổi văn hóa, và nhiều hơn hết là du học tự túc.
Chính vì lý do chuyện đi du học tự túc dễ dàng hơn, đời sống kinh tế cũng có phần khá hơn nên không phải chỉ có “con ông cháu cha” hay những kẻ “nhiều tiền lắm của” mới có thể cho con mình đi du học ở Mỹ.
Khoa nhận xét: “Nhiều gia đình không thực sự giàu có, nhưng họ cũng ráng cầm cự để lo cho con đi du học tự túc. Thậm chí là cả liều lĩnh nữa, như bản thân em cũng là một sự liều lĩnh. Em nghĩ, kệ, qua được thì cứ qua, học cái đã, kiếm tiền cái đã. Nghĩ vậy mà đi. Còn ai đó cho rằng tất cả du học sinh sang đây là phải giàu có thì không đúng đâu.”
Hiển nhiên, không phải tất cả du học sinh qua đây đều giàu có, nhưng không thể phủ nhận, có những trường hợp “lắm tiền lắm bạc” đến khó hiểu.
Một sinh viên Mỹ gốc Việt, không nêu tên, kể rằng: “Ðám bạn cháu con nhà giàu ở Việt Nam qua Mỹ du học, chúng nó có học hành gì đâu. Chúng nó mang theo một đống tiền, qua đây dùng tiền mặt mua nhà rồi bán lại và cho vay với 20 phân lời. Chúng nó đã mua mấy căn ở Fountain Valley.”
Sinh viên du học này đưa thân nhân của một sinh viên gốc Việt, đến thăm và “khoe” căn nhà riêng của anh ta tại La Mirada. Sinh viên này cho biết: “Nhà mua bằng tiền mặt, tọa lạc trong khu có cổng an ninh, rộng gần bốn ngàn square feet, có hồ bơi.” Anh ta nói: “Bố mẹ cháu chuyển tiền sang và cháu trả đứt luôn, chứ hơi đâu mà mượn tiền ngân hàng.”
Cô Bích Ngọc, hiện làm y tá ở một bệnh viện tại quận Cam, cho biết, cô “tìm mua một căn nhà muốn hụt hơi.”
“Từ nửa năm qua, cứ tìm được căn nào vừa ý nằm trong học khu Fountain Valley thì y như rằng, căn nhà đã được bán... bằng tiền mặt cho người gốc Việt.” Cô Ngọc sau đó tìm hiểu thì biết được người mua là sinh viên từ Việt Nam sang. Cô thắc mắc, “không biết ở đâu ra mà những người này lắm tiền thế.”
Lắm tiền lắm bạc là như vậy, nhưng có những sinh viên khác, như câu chuyện của Ngọc Thi dưới đây, thì lý do du học “rất lạ.”
Ngọc Thi, đang học năm thứ hai tại Santa Ana College, ở quận Cam, California, cho biết: “Em đi du học khi đang là sinh viên năm thứ hai khoa Hóa, trường Ðại Học Bách Khoa. Khi đó cậu và dì thấy em có khả năng học được, nếu em đi du học sau này có tương lai hơn để giúp đỡ gia đình em, nên cậu và dì lo tiền cho em đi.” Thi kể.
Thế nhưng, lý do chính để Thi có mặt tại xứ sở giàu có bậc nhất thế giới này là vì “mọi người ở nhà ai cũng nghĩ rằng em sang đây sẽ kiếm tiền gửi về được ngay.” Thi nói như than.
Riêng với Quỳnh Anh, sinh viên Golden West College, ở quận Cam, California, thì lý do đi du học là vì “ở trong nhà hoài thì sẽ chẳng bao giờ lớn lên được.” Cho nên, ngay khi vừa tốt nghiệp trung học, Quỳnh Anh xin ba mẹ cho đi du học, dù “lúc đầu ba mẹ không cho, vì em là con gái út,” cô bé chỉ vừa 20 kể.
1001 lý do “du học tự túc“
Ðược đi du học Mỹ là niềm tự hào và hãnh diện của học sinh, sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, không ai trong số những du học sinh tự túc mà chúng tôi gặp gỡ lại không biết trước những khó khăn mà họ sẽ phải đối diện khi xa nhà. Có điều, giữa “nghe nói” và “thực tế” vẫn là một khoảng cách.
“Trước khi em qua Mỹ, những người quen ở đây về nói là học ở Mỹ dễ lắm, tiền học rẻ, đi học lại có thêm khoản tiền này tiền kia, kiếm việc làm thêm cũng dễ. Nhưng những người đi trước cho em biết, sinh viên du học không được phép đi làm, học phí đóng rất mắc, rồi sẽ có những khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, này nọ.” Khoa Trần kể.
Nếu một cư dân địa phương ở California chỉ phải đóng $26 cho một 'unit' ở các trường đại học cộng đồng, và được hưởng thêm các khoảng tiền sách vở, tiền hỗ trợ đi học, có thể mượn tiền chính phủ,... thì du học sinh phải đóng hơn $200 cho một 'unit,' cùng tiền bảo hiểm sức khỏe và không được hưởng thêm những sự hỗ trợ tài chánh nào khác của chính phủ Hoa Kỳ.
Nghe thì nghe vậy, nhưng “chí nam nhi” thôi thúc Khoa “cứ muốn đi. Bởi, được đi học ở Mỹ là điều quá hấp dẫn, kế nữa là muốn thử thách mình, chứ ở yên hoài một chỗ thì cũng chẳng biết sao.”
Ðối diện với cuộc sống thực tế, sau hơn ba năm du học, Khoa cho rằng nhiều lúc mình cũng bị “áp lực,” bị trầm uất, có lúc “cực kỳ thất vọng,” nhưng “mỗi lần trải qua những chuyện như vậy thì em lại tự nhủ, có như thế mình mới khá lên được.” Khoa cười khi nói về kinh nghiệm đối diện với những khó khăn của mình.
Cô “con gái út” Quỳnh Anh cũng vậy.
“Không,” là câu mà Quỳnh Anh trả lời khi tôi hỏi: “Có bao giờ em phải suy nghĩ nhiều về chuyện cực khổ khi đi du học không?”
Quỳnh Anh tâm sự: “Em nghĩ đó là chuyện em phải trải qua khi đi du học. Chứ nếu cứ nghĩ sang đây đi học mà cũng đầy đủ, sung sướng như khi ở nhà với ba mẹ thì có lẽ sẽ không bao giờ bước chân ra đường tự sống được hết.”
Trải qua ba năm rưỡi sống đời du học sinh, Hưng cũng có nhận xét “thực tế khác nhiều với suy nghĩ trước khi sang đây.” Hưng cho rằng “có cái tốt, có cái chưa tốt,” nhưng “học được nhiều điều tốt hơn” là điều Hưng cảm thấy hài lòng trong những năm tháng qua.
“Em có thể làm nhiều chuyện theo những gì em nghĩ, chủ động trong cuộc sống, biết sống cuộc sống tự lập, biết nấu ăn, giặt giũ, biết làm ra tiền và quí trọng đồng tiền do chính mình làm ra.” Hưng chia sẻ.
Trong khi đó, Ngọc Thi, vừa đi học toàn thời gian (full-time), vừa đi làm 40 tiếng một tuần, trút nỗi niềm: “Em đã hình dung trước là gia đình không có khả năng lo cho em học đến nơi đến chốn, cũng nghĩ là sang đây em phải tự nắm lấy cuộc sống để trang trải. Nhưng em không hề nghĩ là tương lai mờ mịt như thế.”
Khó khăn chính mà Ngọc Thi đối đầu, không phải là chuyện tự lo tất cả cho mình, mà lại là “áp lực phải kiếm tiền gửi về cho gia đình, phụ ba mẹ nuôi bảy em nhỏ còn đang ở tuổi ăn học.”
Ngọc Thi cười buồn: “Ai cũng mong em sang đây đi làm kiếm tiền, họ không nghĩ rằng em lại cứ đâm đầu đi học như vậy.”
“Nhưng em cũng không hề hối hận là đã quyết định đi du học đâu. Cuộc sống em như vầy em cũng thích, bởi em làm được nhiều việc, không quản ngại gì hết, đến đâu hay đến đó.” Ngọc Thi nói cương quyết.
Với Hưng Lê thì “chỉ có thời gian khoảng ba tháng đầu là gia đình chu cấp tiền bạc, còn lại từ bấy đến giờ, đã hơn ba năm, mọi chi phí em tự lo hết bằng việc đi làm thêm ngoài giờ lên lớp.”
Vừa đi làm, vừa đi học “full-time”
$1,500 là khoản tiền tối thiểu mà cả Khoa, Thi, Hưng và Quỳnh Anh đều cho rằng mình cần phải có để chi phí cho chuyện học hành, ăn ở và tất cả các sinh hoạt khác trong một tháng. “Và phải đi bằng xe bus,” Khoa nói thêm.
“Em được bố mẹ cho bao nhiêu trong số đó?” tôi hỏi Ngọc Thi.
“Em không được đồng nào hết,” Thi nói liền không cần đắn đo.
Nhà Thi có tám chị em, Thi là con đầu. Bố mẹ chẳng khá giả như người ta thường nghĩ về những gia đình có con đi du học tự túc. Ngọc Thi được họ hàng lo cho đi du học với mục đích “kiếm tiền gửi về lo cho gia đình.”
Thế nhưng Thi lại rất mê học. “Từ lúc qua tới giờ em chưa bỏ mùa học nào, những khi nào có dư tiền thì mùa hè em cũng đóng tiền học luôn.” Thi khoe.
“Vậy tiền đâu học?”
“Em đi dạy kèm Toán, Hóa, làm 'babysit' em bé hai ngày cuối tuần, làm thêm những việc khác trong trường, trong phòng thí nghiệm. Có những chương trình làm 75 tiếng, nguyên mùa học, được trả $500. Có việc gì em làm việc đó.” Thi hào hứng kể chuyện bằng cách nào em có thể kiếm tiền trang trải cuộc sống của một du học sinh không có sự trợ giúp nào từ gia đình.
Xoay sở với đủ việc như vậy nhưng Ngọc Thi luôn giữ vững bảng điểm 4.0 của mình. “Em phải cố gắng học cho tốt để có thể mạnh dạn nói với thầy là bất cứ lúc nào, bất cứ công việc gì thầy có thì cứ gọi cho em làm.”
Chính sự cần mẫn đó mà Ngọc Thi cho rằng mình “may mắn có được công việc làm ở trường đã bốn mùa rồi.”
May mắn hơn Ngọc Thi, trung bình mỗi tháng Quỳnh Anh cũng được “ba mẹ cho vài trăm,” nhưng “tự xoay sở vẫn là chính.”
Ngoài giờ học, Quỳnh Anh kiếm việc làm thêm ở một quán ăn. “Em được chủ trả cho $6.5/giờ. Tiền 'tip' được nhận nhưng rất ít, bởi chia cho nhiều người trong bếp, rồi chủ cũng lấy nên chỉ được chừng vài chục cents một giờ thôi.”
Quỳnh Anh kể: “Lúc em mới sang du học thì ở chung với gia đình cậu, và không ai muốn em đi làm thêm, bởi sang đây là đi học chứ không phải đi làm. Thế nhưng chỉ được chừng một năm thì gia đình em gặp khó khăn, nên em đi kiếm việc. Cũng không thấy gì là bỡ ngỡ hay lạ lẫm gì khi đi làm thêm hết.” Quỳnh Anh hồn nhiên kể. “Mặc dù lúc ở nhà, gia đình có người giúp việc nên em chẳng phải làm gì.”
Theo Quỳnh Anh, ba mẹ em, cũng như bao phụ huynh khác, khi biết tin con mình phải bươn chải kiếm tiền ăn học thì “xót lắm.” Em kể, “Lúc nhà hàng thiếu người, em phải đi làm nhiều, nên lúc gọi điện thoại về cho ba mẹ, lúc nào em cũng mệt hết. Ba em xót lắm, nói em không cần phải làm nhiều như vậy, khi nào thiếu tiền thì nói để ba gửi qua.”
Quỳnh Anh trầm giọng: “Nhưng em biết ba em đâu có tiền, ba cũng phải đi mượn của người ta thôi, mượn thì phải trả. Nên em không có nói.”
Trường hợp của Khoa Trần cũng tương tự. Do đã để dành được ít tiền lúc đi làm ở Việt Nam, thêm bố mẹ và anh chị giúp, Khoa đủ tiền sang Mỹ học cho mùa đầu.
“Nếu học college mà siêng siêng đi làm thêm thì tự chi phí cũng đủ. Nhưng xui cho em là lúc đó kinh tế Mỹ xuống dốc, em đang có chân làm bồi bàn thì mất việc, lại phải kiếm những công việc lẹt xẹt khác để làm, cũng chỉ đủ ăn.”
“Gia đình em hỗ trợ em nhiều không?” tôi nhắc lại câu hỏi này với Khoa.
“Tính ra gia đình đã giúp em rất nhiều, tuy không thường xuyên, đều đặn. Khi em có việc làm đủ tiền thì em không xin nhà, khi túng quá la làng lên thì ba mẹ cũng sẽ tìm cách gửi qua cho. Nhưng thực sự trong thâm tâm em vẫn muốn tự lo cho bản thân mình.”
(Bài có sự đóng góp thông tin của phóng viên Ðinh Quang Anh Thái)
(Kỳ sau: Du học, những ngả rẽ bất ngờ và ước mơ ở lại nước Mỹ)"
(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112754&z=1)
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/11259111
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét